Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh lý nguy hiểm, thường xảy ra ở nam giới cao tuổi. Ở giai đoạn đầu, bệnh phát triển rất chậm và người bệnh có thể sống được nhiều năm nếu được điều trị kịp thời. Khi bệnh tiến triển nặng, các khối u phát triển nhanh chóng, khó điều trị và có thể gây tử vong. Do đó, chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tiền liệt từ giai đoạn sớm là rất quan trọng. Trong bài viết này, 115ask.com sẽ chia sẻ về các phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Ung thư tuyến tiền liệt – căn bệnh phổ biến ở nam giới
Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh lý phổ biến ở nam giới, đặc biệt là nam giới ở tuổi trung niên. Theo Globocan (một dự án của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế – trực thuộc Tổ chức Y Tế Thế Giới), tại Việt Nam năm 2018 chỉ phát hiện 3959 ca mắc ung thư tuyến tiền liệt mới, nhưng có tới 1873 ca tử vong. Điều này phần nào là do nhận thức của nam giới Việt Nam về căn bệnh này vẫn còn hạn chế, không thực hiện khám và tầm soát định kỳ để phát hiện bệnh từ sớm. Khi có các triệu chứng nghiêm trọng thì bệnh đã đến giai đoạn cận cuối hoặc cuối, rất khó điều trị.
Ung thư tuyến tiền liệt có 4 giai đoạn phát triển:
- Giai đoạn I: mô ung thư bắt đầu phát sinh tại tuyến tiền liệt, có hình dạng giống mô bình thường.
- Giai đoạn II: hay còn được biết đến là giai đoạn khu trú, các khối ung thư bắt đầu phát triển chậm và có thể được phát hiện khi thực hiện các biện pháp chẩn đoán.
- Giai đoạn III: ung thư xâm lấn mô xung quanh tuyến tiền liệt, túi tinh.
- Giai đoạn IV: là giai đoạn di căn, các khối ung thư bắt đầu tiến triển tới các cơ quan lân cận như trực tràng, bàng quang hoặc xương, gan, phổi.
Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
Khi nào cần chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt?
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh cần được phát hiện từ sớm, do đó nam giới trong độ tuổi trung niên (đặc biệt là người trên 50 tuổi) nên tầm soát bệnh định kỳ hoặc ngay khi có các triệu chứng sau:
- Có các triệu chứng kích thích như đái vội, đái són, đái nhiều lần.
- Có các triệu chứng chèn ép như rặn khi đái, đái khó khăn, đái không hết…
- Một số triệu chứng nặng như bí đái, đái ra máu, xuất tinh lẫn máu.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
Có nhiều phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, một số phương pháp chẩn đoán bệnh là:
- Khám tuyến tiền liệt qua trực tràng (DRE): là phương pháp cơ bản, có chi phí thấp. Bác sĩ sẽ đeo găng tay, đưa ngón tay vào trực tràng nhằm phát hiện bất thường ở tuyến tiền liệt. Phương pháp này có thể gây khó chịu cho người bệnh và khả năng phát hiện bệnh từ sớm là không cao.
- Xét nghiệm kháng nguyên PSA: là phương pháp thường được sử dụng để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Phương pháp này có ưu điểm là dựa vào tính khách quan, không dựa vào người khám nên tránh được tâm lý ngượng ngùng của người bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm PSA còn giúp bác sĩ dự đoán nguy cơ mắc ung thư của người bệnh, theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
- Siêu âm: giúp cung cấp nhiều thông tin hữu ích trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Có hai cách siêu âm là thông qua xương mu và trực tràng. Siêu âm xương mu giúp xác định các khối u ở giai đoạn muộn. Còn siêu âm trực tràng có thể giúp bác sĩ phát hiện các khối u còn rất nhỏ và yếu trong trực tràng.
- Sinh thiết tuyến tiền liệt: là phương pháp được chỉ định khi khám tuyến tiền liệt qua trực tràng nhận thấy bất thường, xét nghiệm cho thấy nồng độ PSA trong máu cao và siêu âm thấy tổn thương nghi ngờ. Sự kết hợp giữa sinh thiết tuyến tiền liệt và các phương pháp chẩn đoán khác (DRE, PSA, siêu âm…) có thể chẩn đoán trên 90% ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn khu trú.
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt có chữa được không?
Bệnh hoàn toàn có khả năng chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn khu trú (giai đoạn II). Nếu để bệnh tiến triển sang giai đoạn III thì sẽ vô cùng khó điều trị, tỷ lệ chữa khỏi cũng thấp hơn nhiều. Nếu bệnh ở giai đoạn IV thì hy vọng chữa khỏi là không thể, lúc này việc điều trị chỉ mang tính chất kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Người bệnh có thể sống được vài năm nếu tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị đã đưa ra.
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Phác đồ điều trị ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:
- Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt: thường được chỉ định với bệnh ở giai đoạn I hoặc giai đoạn II. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, túi tinh và mô quanh tuyến tiền liệt nhằm loại bỏ hoàn toàn các mô ung thư. Ước chừng người bệnh có thể sống thêm 10 năm, tỷ lệ tái phát ung thư sau 5 năm mổ là khoảng 10%.
- Xạ trị: là phương pháp dùng tia bức xạ với cường độ lớn nhằm tiêu diệt toàn bộ các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được áp dụng đối với các giai đoạn sớm của bệnh, mang lại hiệu quả điều trị tức thời. Tuy nhiên, thông thường bác sĩ sẽ áp dụng xạ trị đối với ung thư ở giai đoạn III.
- Hóa trị: Sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm chống ung thư vào tĩnh mạch. dược lực có trong thuốc sẽ giúp ngăn chặn hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này thường được chỉ định khi ung thư đã di căn ra bên ngoài tuyến tiền liệt.
- Liệu pháp nội tiết tố: là phương pháp giảm nội tiết tố nam nhằm kìm hãm sự phát triển của bệnh. Liệu pháp bao gồm phẫu thuật loại bỏ tinh hoàn, nếu người bệnh không thể chỉ định phẫu thuật hoặc từ chối phẫu thuật thì sẽ được chỉ định thuốc để điều trị thay thế. Đây là phương pháp thường được chỉ định với người bệnh ở giai đoạn cuối.
- Liệu pháp miễn dịch: bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng những loại thuốc giúp kích thích khả năng miễn dịch ở bản thân, giúp quá trình điều trị ung thư tuyến tiền liệt hiệu quả hơn.
Thông qua bài viết này, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về các phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Nếu có thắc mắc cần được giải đáp, bạn vui lòng trò chuyện với các bác sĩ chuyên khoa của phòng khám tại [KHUNG CHAT] phía dưới để được giải đáp tận tình nhất.